Luật sư Lawkey sẽ Phân tích Khái niệm và bản chất pháp lý của hộ kinh doanh qua bài viết dưới dây: Trước khi có Nghị định của Chính phủ số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 về đăng lý kinh doanh, “hộ kinh doanh” được gọi là “hộ kinh doanh cá thể”. Tên gọi “hộ kinh doanh cá thể” được ghi nhận tại hai Nghị định của Chính phủ về đăng ký kinh doanh là Nghị định số 02/2000/NĐ- CP ngày 03/02/2000 và Nghị định số 109/2004/NĐ- CP ngày 02/4/2004. Nghị định số 109/2004/NĐ-CP định nghĩa: Hộ kinh doanh cá thể do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh (Điều 24, khoản 1). Nghị định số 88/2006 NĐ-CP định nghĩa: Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh (Điều 36, khoản 1). Như vậy khái niệm “hộ cá thể” và “hộ tiểu công nghiệp” theo Nghị định số 27- HĐBT ngày 9/3/1988 đã có nhiều thay đổi qua hai Nghị định vừa dẫn. Bản chất cá nhân kinh doanh và dấu ấn gia đình đã ngày càng mờ đi mặc dù thuật ngữ “hộ gia đình” được sử dụng trong các định nghĩa vừa dẫn. Định nghĩa trên về “hộ kinh doanh” cho thấy hộ kinh doanh được chia thành ba loại căn cứ vào chủ tạo lập ra nó: (1) Hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ; (2) hộ kinh doanh do hộ gia đình làm chủ; và (3) hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ. Có lẽ đây là một đặc thù rất Việt Nam. Tuy nhiên tính phù hợp hay không phù hợp của nó cần phải suy nghĩ. “Hộ gia đình” được kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể hay hộ kinh doanh như trên vừa nói có lẽ xuất phát từ việc Bộ luật Dân sự 1995 và Bộ luật Dân sự 2005 qui định “hộ gia đình” là chủ thể của quan hệ dân sự theo nghĩa rộng. Vì vậy có nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ từ đây. Thứ nhất, “hộ gia đình” không phải là cá nhân và cũng không phải là pháp nhân, mà là một chủ thể đặc biệt của pháp luật Việt Nam. Do đó hộ kinh doanh cá thể hay hộ kinh doanh không hoàn toàn là thương nhân thể nhân. Nhưng trước đây, hộ cá thể và hộ tiểu công nghiệp (hình thức đầu tiên của hộ hộ kinh doanh cá thể hay hộ kinh doanh), theo Nghị định số 27- HĐBT ngày 9/3/1988, là thương nhân thể nhân. Thứ hai, tập hợp các cá nhân hay các thành viên của “hộ gia đình” không dễ xác định. Dấu hiệu của một “gia đình” được thể hiện qua quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hay quan hệ nuôi dưỡng. Song “hộ gia đình” không bao gồm tất cả các thành viên có các mối quan hệ đó với nhau. Được xem là thành viên của hộ gia đình cần phải có hai điều kiện: (1) Điều kiện quan hệ (điều kiện cần), thể hiện qua việc hoặc có quan hệ hôn nhân, hoặc có quan hệ huyết thống, hoặc có quan hệ nuôi dưỡng; và (2) điều kiện chung sống (điều kiện đủ), có nghĩa là cùng trú ngụ ở một nơi hoặc cùng kiếm sống dựa vào cùng một sản nghiệp(1). Tuy nhiên số lượng các thành viên thuộc hộ gia đình có thể biến động, vì vậy gây khó khăn không ít cho việc giải quyết tranh chấp có liên quan. Trong thực tiễn tư pháp và trong thực tiễn thi hành pháp luật ở các cơ quan hành pháp, người ta thường xác định tập hợp thành viên hộ gia đình thông qua sổ hộ khẩu. Đây có lẽ không phải là một việc làm hợp lý bởi sự tồn tại của sổ hộ khẩu không có cơ sở để đứng vững trong giai đoạn hiện nay. Hơn nữa sổ hộ khẩu không nói lên vấn đề rằng các thành viên có cùng trú ngụ hay cùng kiếm sống hay không. Có lẽ cần đưa vào nội dung đăng ký kinh doanh việc xác định các thành viên của hộ gia đình khi đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh, bởi vấn đề xác định các thành viên như vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của các chủ nợ của hộ kinh doanh. Vấn đề này sẽ được lý giải dưới đây. Nghị định số 88/2006 NĐ- CP cho phép “một nhóm người”, không phải là hộ gia đình, được kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh. Việc cho phép này có tác dụng thúc đẩy kinh doanh, nhưng gây khó khăn về mặt pháp lý, nhất là về chế độ trách nhiệm của toàn thể và từng thành viên của nhóm, và về chế độ quản trị hộ kinh doanh (sẽ được nói tới dưới đây). Bản thân thuật ngữ nhóm người rất khó xác định về nhiều khía cạnh như: Số lượng thành viên trong “một nhóm người” có hạn định không? Các thành viên trong nhóm cần có đặc điểm gì đặc biệt về nhân thân không, hay có quan hệ gần gũi không? Pháp luật Việt Nam hiện nay phân biệt hộ kinh doanh với doanh nghiệp thông qua việc sử dụng lao động. Hộ kinh doanh là một tổ chức kinh doanh sử dụng thường xuyên từ mười lao động trở xuống. Nếu sử dụng hơn mười lao động thì hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp (Điều 36, khoản 3, Nghị định của Chính phủ số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006). Như vậy có thể hiểu, pháp luật Việt Nam hiện nay quan niệm hộ kinh doanh và các hình thức công ti không khác gì nhau về hình thức kết cấu mà chỉ khác nhau về qui mô kinh doanh. Pháp luật Anh quan niệm: Thương nhân đơn lẻ (sole trader) là một người tiến hành kinh doanh với tài khoản của mình; tự lựa chọn nơi thích hợp để hoạt động; có hoặc không có sự trợ giúp của người làm công trong kinh doanh; vốn góp ban đầu là nguồn vốn cá nhân do tiết kiệm hoặc vay mượn cá nhân [6]. Pháp luật Hoa Kỳ quan niệm: Doanh nghiệp cá thể (sole proprietorship) là một doanh thương (abusiness) được vận hành bởi một người như một tài sản cá nhân của người đó; và doanh nghiệp (enterprise) này là một sự mở rộng đơn thuần của chủ sở hữu cá nhân (individual owner) [5]. Thương nhân đơn lẻ hay doanh nghiệp cá thể theo các quan niệm này là một hình thức kinh doanh có kết cấu khác với các hình thức kinh doanh khác như hợp danh hay các công ti. Quan niệm này hoàn toàn trùng hợp với quan niệm của các luật gia Việt Nam ở các chế độ cũ. Họ xem thương nhân thể nhân là cá nhân (có hình hài, cốt nhục) kinh doanh khác biệt hẳn với các thương nhân pháp nhân là các tổ chức hay đoàn thể được tạo lập bởi sự góp vốn của các nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm lợi nhuận. Các tổ chức này được gọi là các công ti. Và mỗi loại công ti có những khía cạnh pháp lý riêng về thành lập và vận hành. Tuy nhiên những khía cạnh pháp lý này không có liên quan gì với thương nhân thể nhân [7]. Quan niệm này phỏng theo quan niệm của Pháp về thương nhân thể nhân. Khi nói về thương nhân theo pháp luật Pháp, người ta hường dẫn Điều 1, Bộ luật Thương mại Pháp 1807. Tại đó thương nhân có thể là thể nhân hoặc pháp nhân. Thương nhân thể nhân là một cá nhân chuyên thực hiện các hành vi thương mại và lấy chúng làm nghề nghiệp thường xuyên của mình. Theo hệ thống pháp luật này cá nhân trở thành thương nhân là một vấn đề thực tế được xác định bởi tòa án. Nếu tên một cá nhân xuất hiện trong Sổ đăng ký thương mại tại tòa án thương mại, thì người đó được xem là thương nhân, trừ khi có chứng cứ ngược lại [8]. Theo pháp luật Việt Nam hiện nay hộ kinh doanh không hoàn toàn là cá nhân kinh doanh. Đôi khi hộ kinh doanh có sự hùn vốn của các cá nhân bởi pháp luật cũng đã mô tả như vậy. Vì vậy nếu quan niệm hộ kinh doanh hay hộ kinh doanh cá thể là cá nhân kinh doanh hay thương nhân đơn lẻ(2) là không hoàn toàn đúng. Nếu phân tích đúng các lời lẽ của Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006, thì có thể thấy khi giải quyết tranh chấp về hộ kinh doanh nói chung, cần chú ý tới hộ kinh doanh được tạo lập nên bởi một cá nhân hay một hộ gia đình hay một nhóm người để đưa ra các giải pháp thích hợp. Đối với việc giải quyết tranh chấp về hộ kinh doanh được tạo lập bởi một nhóm người, có lẽ phải xem hộ kinh doanh đó là một công ti hợp danh không có tư cách pháp nhân để tìm giải pháp từ nguyên tắc áp dụng tương tự. Trong trường hợp các thành viên trong nhóm có thỏa thuận cho một hay vài người chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn, thì thỏa thuận này không có hiệu lực đối với người thứ ba bởi sự thỏa thuận này không được công khai khi đăng ký kinh doanh (mà sẽ được bàn sau). Xem thêm: Thành lập công ty trọn gói.